Ai cho tao lương thiện...........?

Breaking

Post Top Ad

Your Ad Spot

2016/07/10

[NGHE GÌ?] TÌM HIỂU VỀ NHẠC CỔ ĐIỂN VÀ CÁCH NGHE NHẠC CỔ ĐIỂN

THUẬT NGỮ ÂM NHẠC

SONATA
Thuật ngữ sonata xuất hiện vào cuối thế kỷ 16 để chỉ các tác phẩm khí nhạc – nhằm phân biệt với thanh nhạc: nếu một bản nhạc được trình diễn bằng nhạc cụ, nó là sonata; nếu nó được hát lên, nó là cantata. Tuy nhiên khi dàn nhạc ngày càng lớn hơn và các thể loại âm nhạc ngày càng nhiều hơn thì cách phân biệt đơn giản trên không còn thích hợp nữa.
Ngày nay, sonata có nghĩa là một tác phẩm khí nhạc - có thể có một hoặc nhiều chương. 
Thời kỳ Baroque, sonata thường có 4 chương. Sonata thời kỳ Cổ điển thường có 3 chương. Tới thời kỳ Lãng mạn, khi các nhà soạn nhạc trở nên cá nhân chủ nghĩa hơn, thì kết cấu một bản sonata cũng tự do hơn (điển hình là bản “Sonata in B minor của Liszt”, chỉ có 1 chương dài 30 phút).
Lưu ý: Sonata form (thể sonata): cần phải phân biệt bản sonata với thể sonata:
- Bản sonata là một nhạc phẩm trọn vẹn, gồm 1 hoặc nhiều chương.
- Thể sonata là quy tắc cấu trúc âm nhạc trong chương đầu tiên của bản sonata hay symphony, gồm 3 phần: exposition, development và recapitulation (tạm dịch: giới thiệu chủ đề – phát triển mở rộng xoay quanh các chủ đề – tóm tắt, kết luận)
SYMPHONY
Thời Baroque, bất kỳ nhạc phẩm nào soạn cho dàn nhạc đều được gọi là symphony. Bắt đầu từ thời kỳ Cổ điển (giữa thế kỷ XVIII) symphony là một tác phẩm qui mô soạn cho dàn nhạc lớn, nhằm khai thác sự phong phú về âm sắc và cường độ âm thanh của dàn nhạc cổ điển. Một bản symphony thường dài khoảng 20-45 phút, chia làm 4 chương.
Về sau, symphony được dùng cho mọi tác phẩm soạn cho dàn nhạc lớn với cấu trúc tự do hơn, không nhất thiết phải gồm 4 chương.
CONCERTO: (concerti)
Concerto là tác phẩm viết cho một hay một nhóm nhạc cụ diễn tấu với dàn nhạc, kết hợp nghệ thuật biểu cảm và trình độ kỹ thuật điêu luyện của nghệ sĩ solo với sự phong phú về âm sắc và cường độ âm thanh của dàn nhạc. Giống như symphony, bản concerto dài khoảng 20 – 45 phút, có từ 1-5 chương nhưng phổ biến nhất là có 3 chương: chương đầu thường là dài nhất và kịch tính nhất, chương giữa chậm nhất và tình cảm nhất, chương cuối ngắn nhất và vui tươi nhất.
Concerto grosso: hình thức concerto thời kỳ Baroque, trong đó thành phần solo gồm một nhóm nhạc cụ hợp tấu chứ không phải một người.
Solo concerto: chỉ có một nhạc khí giữ vai trò độc tấu (solo), được ghi rõ trong tên nhạc phẩm. VD: Piano concerto, Concerto for Violin,...
Double concerto: có 2 nhạc khí thay phiên nhau độc tấu hoặc cùng song tấu đối đáp với dàn nhạc. VD: Double concerto của Brahms cho violin và cello.
Triple concerto: cũng như double concerto nhưng có 3 nhạc khí cùng chia xẻ vị trí solo. Ví dụ: Triple concerto của Beethoven viết cho violin, cello và piano.
SERENADE
Serenade có nguồn gốc từ tiếng Italia “sera” (buổi tối) và “serenata” (dạ khúc). Ban đầu dùng để chỉ những bản tình ca mà các chàng trai trẻ thường đứng hát, lúc chiều tà, dưới cửa sổ nhà cô gái mà mình theo đuổi. Về sau, thuật ngữ này được dùng để chỉ các bản nhạc viết cho dàn nhạc nhỏ, có tính chất giải trí và đặc biệt là để biểu diễn ngoài trời.
POLYPHONIC & HOMOPHONIC
Nghe bất kỳ đoạn nhạc nào, chúng ta cũng có thể gặp một trong các trường hợp sau: chỉ có một giai điệu, không có phụ họa; có nhiều giai điệu cùng lúc; có một giai điệu cùng hòa âm. Để mô tả các trường hợp đó người ta dùng khái niệm cấu trúc âm nhạc, nó biểu thị bao nhiêu lớp âm thanh bạn có thể nghe thấy cùng một lúc, bất kể đó là giai điệu hay hòa âm, và các lớp đó quan hệ với nhau như thế nào. Cấu trúc âm nhạc có 3 loại tương ứng với 3 trường hợp nêu trên.
Monophonic (đơn điệu): là cấu trúc chỉ có một giai điệu được thể hiện, có thể độc tấu hay hợp tấu.
Polyphonic (phức điệu): là cấu trúc trong đó 2 hay nhiều giai điệu độc lập được trình tấu đồng thời, cạnh tranh nhau trong việc thu hút sự chú ý của người nghe. Để có thể thưởng thức trọn vẹn một tác phẩm có cấu trúc phức điệu, bạn có thể phải nghe nhiều lần, mỗi lần theo dõi một giai điệu.
Homophonic (chủ điệu): là cấu trúc trong đó có một giai điệu chính với phần hòa âm tô điểm cho chủ đề chính. Phần hòa âm này có thể biến đổi rất đa dạng, từ nhạc nền êm dịu đến những cơn sóng âm che lấp cả chủ đề chính. Khi phần hòa âm trỗi dậy tranh giành sự chú ý với chủ đề chính, cấu trúc âm nhạc trở thành vừa có tính chủ điệu vừa có tính phức điệu.
…VÀ NHỮNG CON SỐ
Có bao giờ bạn thắc mắc về ý nghĩa những ký tự chữ và số thường gặp ở cuối tên của nhiều tác phẩm nhạc cổ điển? Ví dụ như bản Symphony số 40 K550 của Mozart, hay bản Concerto Brandenburg số 1 BWV 1046 của Bach, hay bản Symphony số 6 Op.74 của Tchaikovsky? Nhìn có vẻ khó hiểu nhưng thực ra ý nghĩa của chúng rất đơn giản.
Mọi tác phẩm của các nhạc sỹ đều được lập chỉ mục và đánh số để biểu thị một cách tương đối thứ tự ra đời của chúng. Trong hầu hết trường hợp bạn sẽ gặp số chỉ mục Opus – viết tắt là Op. Opus là một từ la-tinh cổ có nghĩa là tác phẩm. Như vậy, bản Symphony số 6, Op.74 của Tchaikovsky là tác phẩm thứ 74 mà ông hoàn thành. Hệ thống số chỉ mục Opus được sử dụng cho các nhạc sỹ và tác phẩm từ thế kỷ 19 trở đi. Trước đó, không có một quy tắc nhất định nào.
Ngày nay, hàng trăm tác phẩm của J.S.Bach được tham chiếu theo một danh mục lập năm 1950 bởi Wolfgang Schmieder. Bản danh mục này có cái tên đọc trẹo cả lưỡi là: Thematisch Systemmatisches Verzeichnis der musikalischen Werke von Johann Sebastian Bach, may mắn sao nó được viết tắt thành Bach-Werke-Verzeichnis, đó chính là số chỉ mục BWV.
Trong những trường hợp khác, chữ viết tắt là tên của người đã tổng hợp, hệ thống hóa danh mục tác phẩm của một nhạc sỹ. Vài thập kỷ sau khi Mozart qua đời năm 1791, Ludwig Koechel đã bỏ nhiều thời gian và công sức để hệ thống hóa những tác phẩm của Mozart, do đó số chỉ mục K sau các tác phẩm này là lấy từ họ của Koechel.
Tuy nhiên cách này cũng gây nhầm lẫn khi những người sọan danh mục lại có chữ cái đầu họ giống nhau. Như các tác phẩm sọan cho đàn phím của Domenico Scarlatti cũng có số chỉ mục bắt đầu bằng chữ K nhưng không phải của Koechel mà là của Ralph Kirkpatrick – nhà âm nhạc học nổi tiếng thế kỷ 20.
Ngay cả số chỉ mục Opus không phải lúc nào cũng thể hiện đúng trình tự tác phẩm ra đời, bởi các số chỉ mục thường ứng với ngày tác phẩm được xuất bản lần đầu chứ không phải ngày nó được hòan thành. Vì vậy, nếu bạn hỏi ai đó: “Beethoven đã viết tác phẩm nào trước: bản Piano concerto số 1 Op.15 hay bản Piano concerto số 2 Op.19?”, ít người có thể trả lời đúng rằng: thực ra bản được gọi là “số 2” đã hòan thành trước nhưng lại xuất bản sau bản “số 1”.
Đến đây chắc bạn thấy những số K và Op. này thật rối rắm. Đừng lo, vì thực ra chúng chẳng quan trọng gì và không hề ảnh hưởng tới những cảm xúc mà âm nhạc mang lại cho bạn. Chúng chỉ có giá trị nếu bạn muốn lòe bạn bè chơi - thay vì bảo mình vừa nghe dàn nhạc giao hưởng Boston chơi bản symphony số 40 quen thuộc của Mozart, hãy nói tớ vừa nghe bản trình tấu tuyệt vời tác phẩm K550 và xem họ tròn xoe mắt như thế nào.

CẤU TRÚC NHẠC CỔ ĐIỂN

Cấu trúc nhạc cổ điển dựa vào sáu yếu tố chính. Sáu yếu tố này trên nguyên tắc quan trọng ngang nhau. Thực tế thì do sở thích hay do khả năng của từng nhà soạn nhạc mà yếu tố này sẽ quan trọng hơn yếu tố kia. Kết quả là nhạc mỗi thời đại mang sắc thái riêng đã đành, ngay cả trong cùng một thời đại, nét nhạc của mỗi nhạc sĩ cũng mỗi khác.
1. Rythm.
Gồm nhịp điệu và tiết tấu
- Nhịp điệu (meter) làm ta có thể dậm chân hay vỗ tay theo. Nó có thể là 2/4, 3/4, 4/4, ..vv...
- Tiết tấu (tempo) cho biết nhạc phải được chơi nhanh hay chậm. Tiết tấu được phân ra từ Largo (chậm nhứt) tới Prestissimo (nhanh nhứt). Chen giữa hai cực điểm này là một loạt những tiết tấu khác với độ nhanh tăng dần (Grave, Lento, Adagio, Andante, Andantino, Moderato, Allegro, Allegro molto, Vivace, Presto).
Chọn tempo cho bài nhạc là thẩm quyền của ngài nhạc trưởng. Cùng một bản nhạc thu âm nhưng thời gian dài ngắn xê xích chút đỉnh tùy tempo. Bản Bolero của Ravel là một khúc crescendo, trung bình dài độ 15 phút. Daniel Baremboin múa đũa dài nhất, hơn 17 phút. Nhanh nhất là Toscanini.
2. Melody – Âm điệu.
Melody hay tune là một chuỗi những nốt nhạc tiếp nối. Âm điệu một bài nhạc là cái nền làm bản nhạc du dương do đó dễ nghe và dễ nhớ. Âm điệu là yếu tố ngó chừng quan trọng nhất của dòng nhạc thời Lãng mạn. Thính giả chẳng cần hiểu biết tối thiểu về nhạc cũng vẫn có thể nghe và thích các bản nhạc trầm bổng réo rắt của những tác giả sở trường về âm điệu như Schubert, Tchaikovski, Mendelssohn vv...
3. Texture - Kết cấu.
Đặt nốt nhạc tiếp nối nhau theo hàng ngang là viết melody.
Đặt nốt theo hàng dọc là viết harmony tức hoà âm.
Để tạo ‘bề sâu’ cho một nốt nhạc chính người ta đặt kèm dọc theo, ngay trên và dưới nốt nhạc này, một loạt những nốt nhạc hỗ trợ tương ứng thích hợp khác. Khi những nốt nhạc dọc này được chơi cùng lúc, chúng sẽ tạo ‘chiều sâu’ cho nốt nhạc chính. Serie này có tên gọi là chords hay âm giai.
Homophonic : nhạc chỉ có một melody với những hoà âm chords đi kèm. Phần lớn nhạc thời Cổ điển và thời Lãng mạn là homophonic.
Polyphonic : nhạc với hai hay nhiều melodies một lần nhưng không có chords. Mỗi bè nhạc giữ một melody riêng. Các melodies đi riêng biệt và cùng lúc với nhau theo phương pháp đối âm counterpoint, còn gọi là counter-note.
Bach của thời Baroque sở trường số một về kỹ thuật polyphonic-counterpoint. Bạn cứ tìm những bản viết theo thể điệu fugue của Bach sẽ nhận ra bản nhạc có hai (hay nhiều) melodies chạy song song, cantata Herz and Mund với Jesu, Joy of Man’s Desiring chẳng hạn. Một bản nhạc khác thường nghe trong mùa Giáng sanh, ‘Gloria’. Phần đầu ‘Canh khuya nghe tiếng hát các thiên thần ...’ là homophonic, phần điệp khúc ‘Glo ...ria in el celsis *** ...’ chính là polyphonic không khác.
Nghe nhiều melodies một lần cũng như nghe nhiều đứa ngứa miệng, a-lát xô lên tiếng một lượt, bởi vậy nên lộn xộn thấy bà (nếu từng đứa nói riêng thì nghe lại yếu xìu hổng đã, khổ vậy đó chớ) Nhưng nghe và để ý kỹ một nhóm nhạc cụ riêng bạn sẽ nhìn ra được melody nhóm này đang chơi, rồi từ đó bạn sẽ nhìn ra cái (hay những) melody còn lại do các nhạc cụ khác đảm trách (mỗi lần để ý một nhóm thôi và phải nghe tới lui nhiều lần nha) Thoạt tiên thì khó khăn lắm lận nhưng xin đừng nản chí, ráng kiên nhẫn kháng chiến trường kỳ thì nhất định sẽ đạt thắng lợi, từ từ rồi bạn nhận ra dễ dàng từng âm điệu một, xin bảo đảm rằng, bạn sẽ thấy trước và sau này, chưa có ai qua mặt được ông Bach vĩ đại này hết trọi !
Monophonic : phần lớn nhạc nhạc thời trung cổ thuộc loại này. Nhạc chỉ có một melody do một hay nhiều người hát đồng ca. Không chords cũng không counterpoint gì ráo nên nghe chán phèo(Chorus trong opera cũng hát đồng ca nhưng là đồng ca 4 bè nghĩa là hát với chords, xin đừng lẫn lộn)
Gây chiều sâu cho nhạc bằng cách đan nốt. Harmony là đan dọc và counterpoint là đan ngang. Đan dọc đan ngang như thế giống như ta dệt vải vậy, nghĩa là ta tạo texture cho âm nhạc. Sau Bach và ngay cả nhạc thời nay kỹ thuật counterpoint vẫn còn được xử dụng nhưng nó không chiếm vị trí quan trọng như thời Baroque của Bach nữa.
4. Tone color – Âm sắc.
Mỗi nhạc cụ có tone color (hay timbre) riêng. ‘Sắc’ của flute khác ‘sắc’ của tuba, ngay cả khi chúng chơi cùng một nốt nhạc. Thậm chí với vĩ cầm, có người còn quả quyết rằng, âm sắc một nốt nhạc sẽ thay đổi nếu bowing khác cách (lên và xuống chẳng hạn).
Trong một dàn đại hoà tấu có chừng 20 loại nhạc khí khác nhau thì cũng có chừng ấy âm sắc. Nhà soạn nhạc giống như họa sĩ trước giá vẽ, phải biết chọn ‘màu’ nhạc thích hợp với từng nhạc cụ để diển tả những cảm xúc khác biệt.
Nhà nhạc học Arthur Elson cho rằng âm thanh phát từ mỗi nhạc khí mỗi khác, nên mỗi nhạc cụ có khả năng bộc lộ tình cảm riêng :
- Violin : diễn tả được mọi tình cảm.
- Viola : buồn da diết.
- Cello : mọi tình cảm (nhưng tiếng của cello gần với giọng nói con người hơn violin).
- Piccolo : nỗi vui hoan lạc, điên rồ
- Oboe : nỗi vui đắm thắm, dịu dàng
- Trumpet : hào hùng.
- Tuba : sức mạnh, thô bạo.
- English horn : buồn bã mơ màng.
- Clarinet : êm ái thuyết phục.
.......
(English horn là gì ? French horn thuộc dàn kèn đồng và có nguồn gốc từ Pháp. English horn thì chẳng những hổng horn mà cũng hổng English gì ráo. Đây là tên gọi hoàn toàn sai, nó chỉ là cái oboe quá khổ, lớn gấp rưỡi cái oboe bình thường và âm sắc của nó thì hoàn toàn trái ngược với oboe - Xin xem ở trên)
Tone colors được chú trọng nhiều trong thời Lãng mạn. Lúc trước nhạc chỉ là nhạc thuần túy pure music (hay absolute music) nhạc viết khơi khơi, nhạc viết vì nhạc. Tới thời Lãng mạn nhạc viết ra với mục đích diễn tả một tình huống hay kể một câu chuyện, loại nhạc này gọi là program music (hay tone poem, symphonic poem) Wagner hổng thích gọi các vở nhạc kịch của mình là Opera, ổng ngon lành kêu chúng là ‘music drama’ cho tăng màu sắc !
Nếu một nhạc sĩ lãng mạn muốn người nghe nhạc nhận ra tiếng sóng bể kêu gào, tiếng chim hót véo von, tiếng thì thầm của tình nhân, hay lời tung hô chiến thắng vv.. thì chả phải tùy theo trường hợp mà viết nhạc và chọn những nhạc cụ với âm sắc thích hợp. Haydn Mozart thời cổ điển viết pure music, Berlioz Lizt thời Lãng mạn nghiêng về program music. Thông thường program music mới cần, nên mới chú trọng đến tone color nhiều hơn. Nhưng cũng có những nhạc sĩ do năng khiếu, đã xử dụng tài tình tone color vào ngay cả pure music làm dòng nhạc thêm lóng lánh sắc màu.
5. Form- Thể loại.
Nhà soạn nhạc xây dựng tác phẩm theo mô hình kiến trúc, gọi là form. Âm điệu hổng phải là mang nốt nhạc thả nổi khơi khơi vào đó, thả vậy nó rớt hết ra nha ! Nốt nhạc như những viên gạch được ‘gắn chặt’ vào khuôn (đã được nhạc sĩ chọn trước) để tạo thành tác phẩm. Mô hình có thể chặt chẽ, nhưng cũng có thể lỏng lẻo nên rồi méo mó chút đỉnh làm nghe khờ người mà cũng hổng biết nó là form gì ! Tác phẩm theo đúng khuôn dĩ nhiên giúp người nghe dể dàng nhận ra form của nó hơn.
Các forms gồm có :
- Thời Phục Hưng : Motets và Madrigals. Cả hai đều là nhạc hát vocal music.
- Thời Baroque : Passacaglia (dance form) và Fugue.
- Thời Cổ điển : Sonata, Symphony, String quartet, Concerto.
- Thời Lãng mạn : Symphonic poem và tấu khúc cho piano (prelude, polonaise...)
..............
Trong âm nhạc, nhiều nốt thành phrase, nhiều phrase thành section, nhiều section thành movement và các movements hợp thành bản nhạc. Movements có cấu trúc với các luật lệ riêng mà các nhà soạn nhạc phải tuân theo. Thường các sections trong movement có khuynh hướng lập lại, hoặc lập lại y chang hoặc biến dạng hay thêm thắt mở rộng ra chút đỉnh
Tác phẩm được cấu tạo chặt chẽ, bài bản đúng nghĩa tức đúng fondamental forms, là những đứa con hợp pháp. Nghe chúng người ta nhận ra huyết thống của chúng liền tù tì (symphony, sonata, concerto ...). Một số tác giả lấy vài câu vài đoạn của một tác phẩm đã nổi tiếng rồi thêm thắt hoa lá cành vào thành một bài nhạc mới, hình thức này thường thấy và có tên gọi là Theme and variations ...
Nhạc viết không theo form nữa gọi là free form, thấy trong các symphonic poem hay prelude vv..
6. Tonality – Âm chuẩn.
(Âm chuẩn là dịch đại thôi, chả biết từ chính xác là gì)
Nói tới tonality người ta nghĩ tới cung bậc. Mỗi cung có một nốt chủ âm (tông hay tone) và âm giai tức chord của chủ âm này. Tác giả chọn tông rồi viết melody và harmony xoay chung quanh nó.
Consonance là khi các nốt đi theo đúng tông, nhạc khi trình tấu lên nó êm ái mượt mà và nó ... thuận nhĩ. Dissonance là khi các nốt không đúng tông, nhạc cất lên thiệt gồ nghề trúc trắc và ... nghịch nhĩ.
Chuyện consonance có vẻ như được ưa thích nên nếu muốn du dương tình tứ truyền cảm thì chắc chắn nhạc phải đặt đúng tông. Nhưng nếu muốn diễn tả những tình cảm khó chịu hoang mang hoặc muốn nhấn mạnh để làm nổi một âm điệu trong dòng nhạc thì các nhà soạn nhạc phải chọn phương cách dissonance để gây ấn tượng. Dissonance không nhất thiết phải đảo lộn tùng phèo cả âm giai (nghĩa là dùng hẳn một âm giai khác) mà lắm khi chỉ cần đổi một nốt và đổi thiệt nhẹ (tăng cao hay hạ thấp hơn nửa tông) chừng như cũng đã đủ để làm ... đất bằng dậy sóng !
Ngay cả khi cùng một tông, chỉ cần đổi từ trưởng major ra thứ minor là dòng nhạc cũng đã khác. Major thì hùng tráng vui tươi trong khi minor lại buồn bã mơ màng.
Nhưng rồi thuận và nghịch lại còn tùy, do tính tương đối của nó. Người ta nói rằng : nghe nghịch mãi thành quen, rồi sẽ biến thành thuận liền hà (bởi vậy đờn ông lấy vợ ít lâu y hình ai cũng sanh lòng hiếu thảo ráo trọi !) Thành ra nghịch nhĩ của Palestrina (Phục hưng) hổng thấm tháp chi với nghịch nhĩ của Schubert (Lãng mạn), và một ngày đẹp trời Schubert (thế kỷ 19) vặn CD nghe Stravinsky (thế kỷ 20) dám sẽ lăn đùng ra chết giấc, cho dù ổng cũng ngầu vụ dissonance hết ý !!!
Tác phẩm nổi tiếng ‘Erlkoring - The Elf King’ đã được Schubert viết với kỹ thuật nghịch nhĩ này. Đây là một music program ở dạng lied (ca khúc), lấy ý từ thơ của von Goethe. Erlkoring kể chuyện một người cha trên lưng ngựa, với đứa con nhỏ trong tay, ráng băng qua cánh rừng già để cố gắng thoát khỏi nanh vuốt của tử thần Elf chạy phía sau. Trong bài nhạc, Schubert đã để người cha hát giọng thấp và đứa bé hát giọng cao hơn. Nhạc chính của hai cha con được viết trên cùng một tông. Thế nhưng ... Tử Thần cất tiếng êm ái như tơ và hát ở một tông khác. Nhạc liên tục đổi tông lia chia rất ... suspense. Rồi ba lần thằng nhỏ kêu lên ‘Tiá ơi tía ơi’ vì nó quá sợ hãi. Để tạo cảm giác khủng khiếp này, Schubert đã cho giọng đứa bé lạc đi, bằng cách cho nó hát cao hơn nhạc (piano) đệm nửa nốt. Thiệt là dissonant lỗ tai người nghe, tạo cảm giác khó chịu hồi hộp muốn chết !!
Schubert đã dùng hai tones để tạo chuyện nghịch nhĩ, nhưng hai tone này cũng chỉ tuần tự thay phiên nhau, xong cái này mới qua cái kia chớ chúng không hề được hát lên cùng một lần. Tới thế kỷ 20 để đổi mới cho âm nhạc, người ta tà tà làm màn sáng tạo. Một trong những phẩu thuật lift-face này là nhạc được chơi trên 2-3 tông và (má ơi) ... chơi cùng lúc. Tên gọi của nó là polytonality (hay bitonality, tritonality ... tùy theo). Tiền phong trong phong trào polytonality này phải kể tới Prokofiev, Bartók, Stravinsky...
Một hình thức tonality mới nữa là ... atonality, nhạc không có tông, viết với "12 tone serial system".
Đại khái thế này : tonality viết nhạc với 7 nốt chính, chúng cách nhau 1 tông hay ½ tông, rồi dùng diese và bemol để thay đổi khoảng cách các nốt nhạc cho hợp theo âm chuẩn. Atonality không có âm chuẩn nên không cần diese hay bemol để làm chuyện thăng giáng nữa, 7 nốt nhạc biến thành 12 nốt với khoảng cách đồng đều đúng ½ tông, 12 tone serial system là vì thế.
================================================== ===================================

Post Top Ad

Your Ad Spot

Pages